TRỞ VỀ THUỞ BÌNH MINH NGÀNH QUẢNG CÁO – GIAI ĐOẠN “THẦN THÁNH HÓA SẢN PHẨM”
Goldsun Media Group đã giới thiệu năm giai đoạn nổi bật nhất trong hành trình 500 năm phát triển của ngành quảng cáo để hiểu hơn sự tác động của những giai đoạn này tới sự phát triển của một ngành công nghiệp đầy sáng tạo và mang tính cạnh tranh cao. Tiếp nối chuỗi bài viết, là giai đoạn nổi bật đầu tiên: “Thần thánh hóa” sản phẩm (Idolatry) được thịnh hành nhất trong giai đoạn năm 1890 -1925.
Đầu năm 1890, in ấn phát triển mạnh mẽ mang đến một bước ngoặt lớn cho ngành quảng cáo: các cửa hàng kinh doanh bắt đầu dùng những tờ rơi nhỏ, tận dụng khoảng trống trên các trang báo để quảng cáo sản phẩm của mình. Quảng cáo tại thời điểm này được thể hiện đơn giản, tập trung chính trong việc nổi bật những điểm mạnh của sản phẩm mà không tập trung làm rõ đối tượng xem của quảng cáo hướng đến. Thậm chí, một số quảng cáo sử dụng những nhận định khó tin để thổi phồng, làm sai lệch thông tin sản phẩm.
Các marketers hãy cùng Goldsun Media Group tiếp tục tìm hiểu và khám phá những bước đi đầu tiên táo bạo và liều lĩnh, mở rộng “đôi mắt thời hiện đại” để nhìn xa hơn trở về thuở sơ khai, nhìn nhận những sự đầu tư sáng giá và chắt lọc qua những bài học khôn lường của ngành quảng cáo, từ đó kết hợp những kinh nghiệm để tạo ra những ý tưởng mới cho chiến dịch của mình.
THUỐC LÁ – “BẠN THÂN” CỦA BÁC SĨ
Đầu thế kỷ XX, khi chưa phát hiện mối liên hệ trực tiếp giữa thuốc lá và các bệnh về hô hấp, thuốc lá được phân phối rộng rãi, thu hút lượng lớn người dùng sử dụng bao gồm cả các bác sĩ. Tận dụng yếu tố này, nhiều công ty sản xuất thuốc lá đã đưa hình ảnh các bác sĩ vào trong quảng cáo nhằm tạo sự tin tưởng, tín nhiệm từ người sử dụng.
Một ví dụ điển hình vào năm 1946, hãng thuốc lá Mỹ tên Camels đưa ra lời nhận định khó tin: “Các bác sĩ hút Camels nhiều hơn các loại thuốc lá bình thường khác”. Sử dụng hình ảnh bác sĩ – tượng trưng cho sự chuẩn mực về y khoa, Camels thuyết phục công chúng rằng thuốc lá của hãng ít có hại hơn các sản phẩm thuốc lá khác vì các bác sĩ – người am hiểu nhất về sức khỏe, cơ thể người còn dùng nó hằng ngày.
XÀ PHÒNG CÓ THỂ “TẨY TRẮNG”
Năm 1897, xà phòng Fairy Soap gây chú ý và tranh cãi lớn bởi sự phân biệt chủng tộc ẩn chứa trong một quảng cáo thổi phồng thông tin sản phẩm. Trên tờ rơi, hình ảnh hai đứa trẻ đối lập hoàn toàn bởi sự khác biệt không chỉ trong màu da mà còn ở sự kì thị rõ ràng về chủng tộc. Đứa trẻ da trắng – sạch sẽ và sang trọng trong bộ đồ màu sáng đứng cạnh cô bé da màu với đôi chân trần và quần áo lấm lem. Câu hỏi được đặt trên quảng cáo: “Tại sao mẹ cậu không tắm cho cậu bằng Fairy Soap?” ẩn dụ rằng xà phòng của Fairy Soap không chỉ làm sạch những vết bẩn mà có thể biến làn da người da đen thành trắng. Quảng cáo đã gây phẫn nộ lớn khi vô hình chung thể hiện sự phân biệt chủng tộc sâu sắc.
CHIẾC QUẦN SỞ HỮU QUYỀN LỰC?
Cuối thế kỉ XIX, một cửa hàng quần lót nam – “Mr Leggs” đã có ý tưởng liên hệ việc sở hữu một chiếc quần của hãng đồng nghĩa với sự tự tin, nam tính và sức mạnh của người đàn ông. Để tăng tính thuyết phục, Mr Leggs đã sử dụng hình ảnh quảng cáo đầy bất ngờ mô tả một người đàn ông đặt chân lên đầu một phụ nữ như đặt chân lên chiếc thảm. Hãng tin rằng hình ảnh quảng cáo này bộc lộ được quyền lực của người đàn ông khi mặc chiếc quần “Mr Leggs” – “quý cô mãnh hổ” sẽ dễ dàng chinh phục hơn bao giờ hết, thể hiện sự thu hút của nam giới khi sử dụng sản phẩm của hãng. Sự thổi phồng thái quá này đã khiến nhãn hàng gặp nhiều chỉ trích lớn vì sự bất bình đẳng giới.
Kết thúc giai đoạn đầu tiên trên hành trình phát triển của ngành quảng cáo, hãy đón chờ phần tiếp theo – phân tích giai đoạn “Rao bán” giá trị tinh thần (Iconology) của ngành công nghiệp tỷ đô đến từ Goldsun Media Group!
Bình luận cho TRỞ VỀ THUỞ BÌNH MINH NGÀNH QUẢNG CÁO – GIAI ĐOẠN “THẦN THÁNH HÓA SẢN PHẨM”